Ngày 20/3/2025, Ban Thường vụ Huyện uỷ Mnag Thít ban hành kế hoạch số 241-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới:
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của huyện; thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát Chỉ thị số 39-CT/TW và các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Huyện liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, gắn với nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, nhất là người đứng đầu, đảm bảo hiệu quả.
2. Nâng cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nữa đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác tín dụng chính sách xã hội và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 trên địa bàn huyện Mang Thít theo Quyết định số 05/QĐ-TTg, ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030. Các ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp trong xây dựng, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
3. Rà soát, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội
Rà soát, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 – 2030. Đảm bảo đủ nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Cụ thể:
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay… chú trọng cấp tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác…Lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo.
- Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh kế cho người dân làm nông, ngư nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, khởi nghiệp…đối tượng theo quy định riêng của địa phương phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.
4. Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện
Chú trọng cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đảm bảo nhu cầu vay vốn của người dân, tạo việc làm, mở rộng việc làm, nhà ở xã hội…; huy động các nguồn lực bổ sung thực hiện tín dụng chính sách xã hội cho giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hàng năm chiếm từ 15 – 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm trên 20%/tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện; cơ cấu nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương theo hướng ổn định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chú trọng đẩy mạnh thực hiện mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Chính sách xã hội; nghiên cứu tập trung các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước và có tính chất ngân sách Nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm góp phần tăng cường nguồn lực, bổ sung nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
5. Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội
Chính quyền các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và các điểm giao dịch tại các xã hoạt động hiệu quả. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách huyện làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa Ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy, gần dân, phục vụ người dân.
Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhằm đáp ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
6. Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả.
NHCSXH HUYỆN