Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh. Trong đó, có 33 đơn vị là các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tham gia. Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh.
Tỉnh đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Long 2.0, Kiến trúc dịch vụ đô thị thông minh 1.0. Đây là các văn bản quan trọng đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất và tập trung theo quy định về triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. Trong Kiến trúc quy định rõ mô hình Kiến trúc, các quy định kết nối chia sẻ, dữ liệu trong và ngoài tỉnh; quy định kỹ thuật, công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cho các hệ thống thông tin quan trọng. Trong đó nổi bật là quy định tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.Tỉnh cũng có Quyết định phê duyệt Chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn được tỉnh triển khai đồng bộ thiết bị tường lửa (firewall) bảo đảm an toàn thông tin có hệ thống mạng LAN.
Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính với 177 điểm phục vụ (28 bưu cục, 82 điểm Bưu điện văn hóa xã và 67 điểm phục vụ khác); số người dân phục vụ bình quân của một điểm phục vụ bưu chính: 5.813 người/điểm; bán kính phục vụ đạt 8,3 km/điểm phục vụ. Các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho khách hàng mua, bán qua mạng góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của tỉnh.
Tỉnh cũng đã thực hiện đầu tư nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đáp ứng yêu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu trong nội bộ tỉnh và kết nối với các dịch vụ do các bộ, ngành chia sẻ; thực hiện triển khai hệ thống quản lý hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây; triển khai các ứng dụng, nền tảng dùng chung phục vụ các đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, Hộp thư điện tử của tỉnh, Hệ thống số hóa dữ liệu lưu trữ lịch sử, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng GIS, Hệ thống trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp xã. Các hệ thống, ứng dụng dùng chung đảm bảo phù hợp theo Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 và đảm bảo đồng bộ với Kiến trúc đô thị thông minh Vĩnh Long 1.0.
Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối liên thông các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thông suốt với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương ngoài tỉnh thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vận hành ổn định và hiệu quả phục tốt cho việc gửi nhận, theo dõi xử lý văn bản theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với hơn 800 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia khai thác sử dụng (kết quả 06 tháng đầu năm đã gửi 137.805 văn bản và nhận 461.230 văn bản); Tỉnh cũng đã triển khai thống nhất Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh cho các Cơ quan nhà nước thực hiện báo cáo qua Hệ thống theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ bước đầu đạt hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai sử dụng Hệ thống họp không giấy (Kbinet) cho các cuộc của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh bước đầu đạt hiệu quả và từng bước mở rộng sử dụng cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh qua thiết bị thông minh (Ipad, Smartphone) (06 tháng đầu năm đạt 59 cuộc với 707 tài liệu điện tử, tiết kiệm 11.060 trang giấy).
100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã có Cổng/Trang thông tin điện tử tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Năm 2021, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 127 cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp xã sang hoạt động IPv6; Cổng thông tin điện tử của 18 sở, ngành, 107 UBND cấp xã đã khai báo và được chứng nhận tín nhiệm mạng do Cục An toàn thông tin cung cấp. Đồng thời, thực hiện tích hợp các Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện riêng lẻ vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh đảm bảo thống nhất Nền tảng quản lý phát triển Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Hệ thống thư điện tử tỉnh hoạt động ổn định đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh với 11.362 hộp thư điện tử đã được khai báo và đưa vào sử dụng. 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã được cấp chữ ký số. Tổng số chứng thư số đang sử dụng là 2.127 chứng thư số.
Thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về nhu cầu kết nối mua bán, giao thương trên Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác.
Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn.
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã sử dụng hoá đơn điện tử. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt: trên 200 tiểu thương tại Chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money). Với mô hình Chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng giúp việc mua bán thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money tại các trường trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh.
Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking đạt gần 1.816 khách hàng, tăng 42,75% so với năm 2021. Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước, nhất là triển khai, tuyên truyền thực hiện Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Trong đó, tập trung triệt để việc sử dụng hiệu quả chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4,…; tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, giao thông vận tải; đôn đốc, triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Theo vinhlong.gov.vn