Nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, liên hoan, hội thi, hội diễn, thi đấu thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 82/87 xã có Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa- Thể thao; Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng (gọi chung là Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã), tỷ lệ 94,25%. Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí 06 về cơ sở vật chất trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM; được cấp trang thiết bị theo hướng dẫn Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã.
Đa phần, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đáp ứng tốt những tiêu chí về số cuộc, số lượt hoạt động của Bộ VHTTDL. Năm 2022, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã trong tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức trên 700 cuộc biểu diễn văn nghệ, liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng, bình quân mỗi Trung tâm tổ chức 07 đến 08 cuộc/năm (vượt chỉ tiêu 04 cuộc/năm của Bộ VHTTDL quy định). Mỗi địa phương tiếp tục duy trì từ 05 câu lạc bộ trở lên hoạt động định kỳ mỗi quý một lần, góp phần thu hút từ 30% đến 45%/tổng số dân tham gia hoạt động, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, vượt chỉ tiêu của Bộ VHTTDL đề ra là 30% trở lên/tổng số dân. Đồng thời, tổ chức trên 300 cuộc thi đấu thể thao, tổ chức thành công Đại hội thể thao cấp xã với 06 môn thi đấu trở lên, thu hút từ 32,36% đến 44,01%/tổng số dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, vượt chỉ tiêu Bộ VHTTDL đề ra là 25%/trên tổng số dân.

Vĩnh Long hiện có 82 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đáp ứng khá tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, tập luyện TDTT của nhân dân
Tiếp tục tăng cường kiểm kê, ghi danh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao; ngày 18/7/2022, Sở VHTTDL Vĩnh Long có Công văn số 1211/SVHTTDL cụ thể hóa Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 08/7/2022 của UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã NTM và bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hướng dẫn các địa phương nội dung kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Năm 2022, tỉnh có 10 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Qua khảo sát, thẩm định cuối năm, các xã có xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đối với các di tích trên địa bàn. Các di tích ở các xã đăng ký thực hiện NTM nâng cao không xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm hại. Hằng năm, đều có đăng ký hoạt động; khi tổ chức lễ hội, trùng tu sửa chữa di tích có thông báo với chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Đối với phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, Sở VHTTDL Vĩnh Long tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp (số 70/CTPH-SNNPTNT-SVHTTDL ngày 20/01/2021) với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chính của chương trình là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch.
Để đạt mục tiêu đề ra, tháng 10/2021 Sở VHTTDL đề xuất mô hình “Xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP gắn kết du lịch” được UBND tỉnh chọn gửi về Văn phòng nông thôn mới Trung ương. Qua đó, các ngành liên quan đã tổ chức khảo sát địa điểm triển khai mô hình xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn kết du lịch tại một số điểm trong tỉnh để xem xét đề xuất thí điểm mô hình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình gặp vướng mắc một số quy định về quản lý và sử dụng kinh phí. Do vậy, chương trình năm 2022 chưa thể thực hiện theo yêu cầu. Bên cạnh đó, hiện hầu hết các xã xây dựng NTM nâng cao cũng gặp khó khăn về kinh phí lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời theo tỷ lệ 70% tại các điểm công cộng trên địa bàn xã. Các địa phương chưa thực hiện được chỉ tiêu 100% ấp có Nhà văn hóa - Khu thể thao đảm bảo các điều kiện sinh hoạt do thiếu quỹ đất để quy hoạch xây dựng. Tiêu chí về di sản văn hóa được kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đúng quy định trong xây dựng NTM nâng cao lần đầu được áp dụng, nên các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 trên lĩnh vực ngành quản lý. Cụ thể hóa các nội dung quy định kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như hồ sơ, thủ tục thẩm định, công nhận tiêu chí đối với các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã; Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp bám sát Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ VHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn để xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở sẽ kiến nghị các địa phương trong tỉnh hướng tới ưu tiên quy hoạch quỹ đất để 100% số ấp có Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp đảm bảo các điều kiện sinh hoạt theo quy định của Bộ VHTTDL. Triển khai tiếp mô hình “Xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP gắn kết du lịch” trong việc phát triển du lịch gắn kết với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Minh Triết