Vĩnh Long có hơn 700 di tích. Trong đó, có 68 di tích được xếp hạng, với 13 di tích lịch sử cấp quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có khoảng 1.400 lễ hội được Ban quản lý các di tích tổ chức cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, Nhân dân được an cư lạc nghiệp.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vĩnh Long, năm 2021- 2022 trên địa bàn tỉnh có 08 di tích được xếp hạng gồm 06 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 02 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, thị trấn Vũng Liêm và đình Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm). Trong năm 2022, Bộ VHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống “Nghề làm tàu hũ ky”, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên con số 2.
Trong giai đoạn này, Tỉnh tu bổ 04 di tích với số tiền trên 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh; nguồn vận động Nhân dân, các tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 5,4 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Cùng với đó, hằng năm ngân sách tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng cho Bảo tàng thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm và lưu giữ hiện vật (năm 2021: 5,6 tỷ đồng, năm 2022 là 5,9 tỷ đồng và năm 2023 là 5,2 tỷ đồng).
Những năm qua, bên cạnh Trung ương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Luật số 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 về tín ngưỡng, tôn giáo; các Nghị định, Thông tư... có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ di tích; tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành các văn bản để cụ thể hóa văn bản của Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh như: Công văn số 1091/UBND-VX, ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long về tăng cường quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội, lễ kỷ niệm và các hoạt động văn hóa khác trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1256/UBND-NC, ngày 04/4/2017 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện việc chấn chỉnh quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Quyết định số 2763/QĐ-UBND, ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2010, tầm nhìn đến 2030…Qua đó, công tác bảo tồn giá trị di tích được phát huy, lễ hội trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra tình trạng mê tín dị đoan.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu với đoàn khảo sát tại đình Hòa Ninh, huyện Long Hồ
Thống kê từ Sở VHTTDL cho thấy, hiện tỉnh Vĩnh Long có Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tái công nhận và công nhận mới là điểm đến du lịch tiêu biểu năm 2022. Lượng khách tham quan tại Bảo tàng và các di tích trong tỉnh bình quân đạt 220.000 lượt khách/năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm gần 50% so với các năm trước. Năm 2022, lượng khách tăng thêm, đạt 230.130 lượt.
Tuy nhiên, công tác trùng tu và tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định đối với công trình bảo dưỡng, sửa chữa thì không được phép xây dựng công trình mới mà chỉ bảo dưỡng, sửa chữa. Thực tế, nhiều di tích được xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, cần thiết phải xây dựng mới. Từ năm 2021, Bảo tàng đã đề xuất danh mục 13 di tích cần trùng tu cấp thiết nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí để tu bổ. Năm 2022, tạm dừng bổ sung kinh phí từ nguồn xổ số kiến thiết để chi sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, các công trình công cộng, văn hóa phúc lợi xã hội quan trọng khác, nên di tích chưa được đầu tư tu bổ.
Tiếp đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đến khảo sát công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại các đình trên cù lao An Bình, huyện Long Hồ vào ngày 08/02/2023, ông Nguyễn Văn Xo, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Hòa Ninh cho hay, đình Hòa Ninh được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2003, đến nay nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, Ban quản lý di tích mong muốn các ngành, các cấp quan tâm trùng tu, sửa chữa di tích cho khang trang, xứng tầm với di tích cấp tỉnh để phát triển du lịch tâm linh tại địa phương.
Phát triển du lịch tâm linh cũng là ý nguyện của Ban quản lý đình Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Đại diện Ban quản lý đình đề nghị ngành chuyên môn sớm quan tâm lập hồ sơ đề nghị công nhận đình là di tích lịch sử văn hóa để đình có điều kiện trùng tu, tôn tạo phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đồng thời gắn kết với làng mai vàng Phước Định tạo thành tuyến du lịch tâm linh phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.
Tại mỗi nơi đến, ông Nguyễn Đắc Phương, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những đóng góp của các Ban quản lý di tích trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị di tích tại địa phương. Ông Nguyễn Đắc Phương đề nghị ngành VHTTDL quan tâm đề xuất vốn đầu tư công đề kịp thời tu sửa các di tích trong tỉnh đã bị hư hỏng, xuống cấp; sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định về sử dụng tiền công đức, nhằm góp phần vào kinh phí sửa chữa các di tích trên địa bàn tỉnh. Vấn đề nào nằm trong khả năng Ban quản lý di tích thì cố gắng khắc phục, đảm bảo sự vững chắc cho ngôi đình và sự an toàn cho Nhân dân đến chiêm bái. Đồng thời, quan tâm xây dựng di tích thành điểm đến du lịch văn hóa, du lịch tâm linh theo đúng tinh thần quy hoạch, phát triển du lịch của tỉnh.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT