Vĩnh Long là một trong 13 tỉnh ĐBSCL, có 12 tộc người sống cộng cư. Ngoài người Kinh chiếm đa số, còn có người Khmer, Hoa, Mường, Thái, Mông, Thổ, Tày, Nùng, Dao, Êđê, Chăm. Với đặc điểm trên, đã mang đến cho Vĩnh Long nền văn hóa tương đối đa dạng, có sự giao thoa, tiếp biến về văn hóa giữa các tộc người. Hương ước, quy ước ở các địa phương trong tỉnh vì thế cũng mang những nội dung và nét đặc thù riêng của mỗi cộng đồng dân cư.
Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; giai đoạn 2018- 2022 Ban Chỉ đạo các cấp và Ban Vận động các khu dân cư tổ chức tuyên truyền các văn bản về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên 32.500 cuộc, có trên một triệu lượt người dự, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, từng bước thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương, hạn chế tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tăng tính tự chủ của cộng đồng dân cư.
Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) in 6.000 quyển tài liệu hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh kiểm tra, rà soát hương ước, quy ước theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có 752/752 hương ước, quy ước của các khu dân cư được UBND cấp huyện công nhận, đạt tỷ lệ 100%. Trong quá trình rà soát, hầu hết các địa phương có sự quan tâm, lồng ghép vào hương ước, quy ước những nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phát triển kinh tế - xã hội; Bình đẳng giới; Phòng, chống bạo lực gia đình…đặc biệt là các nội dung về quản lý tiếng ồn theo Chỉ thị số 16 ngày 13/10/2021 của UBND tỉnh gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở địa phương. Xem đây là nội dung, tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình chọn các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Ấp, khóm, khu văn hóa” hàng năm.

Thực hiện hương ước, quy ước, lễ hội trong tỉnh diễn ra trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống (Trong ảnh: Lễ rước Tiền hiền, Hậu hiền tại lễ Xuân tế cầu an ở di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Công Thần miếu, phường 5, TP.Vĩnh Long)
Thực hiện hương ước, quy ước, Nhân dân ở nhiều địa phương cam kết không mở nhạc sống, karaoke, nhạc lễ quá lớn trong các tiệc cưới, hỏi, liên hoan…từ 11 giờ đến 13 giờ trưa và từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Khi phát hiện hương ước, quy ước có những điều khoản chưa phù hợp, các hộ gia đình, cá nhân kịp thời phản ánh với Trưởng Ban nhân dân ở khu dân cư để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước theo quy định.
Qua triển khai, thực hiện hương ước, quy ước đã mang lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, rõ nét nhất là trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang và lễ hội. Các đám cưới trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh có trên 85.200 đám cưới, trong đó có hơn 97% đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Các gia đình tổ chức lễ cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình.
Việc tang ở các địa phương cũng được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước và quy định pháp luật. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 54.300 đám tang, trong đó có gần 98% đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh; những biểu hiện mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu cũng được hạn chế. Một số đám tang hạn chế đặt vòng hoa, có nhiều đám tang không nhận tiền phúng điếu và vật phẩm của người đến viếng, thực hiện điện táng, hỏa táng thay cho địa táng.
Vĩnh Long có trên 700 di tích phổ thông, trong đó có 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hơn 50 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, với khoảng 1.400 lễ hội hằng năm. Người Việt có các lễ hội đình làng, lễ hội miếu bà Chúa Xứ, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương; người Hoa có lễ vía Chúa Sanh Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ vía Phước Đức Chánh Thần, lễ vía Quan Thánh Đế Quân…Người Khmer Vĩnh Long có tết cổ truyền CholChnamThmay, lễ OkOmBok, lễ SenDolTa. Mỗi lễ hội có những nét đặc thù riêng và được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống. Phần hội với việc tổ chức hát bội, thi đấu thể thao và khôi phục các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2023 Sở VHTTDL Vĩnh Long đề ra kế hoạch tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Đưa hương ước, quy ước vào nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023; đảm bảo 100% ấp, khóm, khu phố thực hiện rà soát, bổ sung hoàn thiện hương ước, quy ước. Đối với các địa phương chưa xây dựng hương ước, quy ước phải tiến hành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định.
Trong năm 2023, Sở VHTTDL sẽ phối hợp Vụ Pháp chế thuộc Bộ VHTTDL tổ chức tập huấn các quy định pháp luật, kỹ năng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho công chức, người lao động và các đối tượng khác có liên quan tại tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại một số địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở sẽ hướng dẫn các xã, phường, thị trấn sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Bài, ảnh: Minh Triết