Nhằm thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa khai thác, sử dụng cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh; ngày 11/5/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long có Tờ trình số 110/TTr-SVHTTDL trình UBND tỉnh chủ trương xây dựng Đề án thí điểm xã hội hóa khai thác sử dụng cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, liên ấp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thời gian thí điểm Đề án dự kiến 03 năm với 38 thiết chế, gồm 21 Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã và 17 Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, liên ấp (gọi tắt là thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở). Hình thức thực hiện sẽ tạo điều kiện để các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh vật cảnh, các trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm dạy nghề…khai thác, sử dụng khuôn viên các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giao lưu, sinh hoạt, trưng bày, giới thiệu, trao đổi sản phẩm; mở các lớp dạy kỹ năng sử dụng máy vi tính, sản xuất nông nghiệp…Những nơi chưa có trụ sở Ban Nhân dân ấp sẽ được lồng ghép với các thiết chế để hoạt động.

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ là một trong 38 thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở dự kiến thực hiện Đề án xã hội hóa
Các hình thức xã hội hóa nêu trên không thông qua đấu giá, đấu thầu. Cá nhân, tổ chức ký kết hợp đồng khai thác sử dụng cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa, thể thao không phải trả phí hợp đồng, không phải đóng thuế, chỉ thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt thực tế, nhưng bù lại những cá nhân, tổ chức này phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự đối với các thiết chế; mở cửa, đóng cửa hằng ngày và phục vụ các hoạt động được tổ chức tại thiết chế; vệ sinh, chăm sóc, tưới nước hoa kiểng, cây cảnh trong khuôn viên các thiết chế đảm bảo cảnh quang các thiết chế được xanh, sạch, đẹp.
Nếu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng và sau này được thông qua áp dụng vào thực tiễn, dự kiến Đề án sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, một mặt vừa giúp các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa có địa điểm sinh hoạt, trưng bày, giao lưu, trao đổi sản phẩm, trao truyền nghề không tốn phí thuê mặt bằng. Ban Nhân dân các ấp vừa có nơi tổ chức hoạt động, tiết kiệm được quỹ đất và kinh phí xây dựng trụ sở làm việc. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hằng ngày đều có người trông coi, bảo quản, mở cửa thường xuyên hơn so với trước đây, dự kiến sẽ thu hút được lượng lớn Nhân dân đến sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động tại các thiết chế.
Tin, ảnh: MINH TRIẾT