Về Tam Bình trong những ngày đầu xuân Quí Mão 2023, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng cam sành ngút ngàn xanh biết; ruộng cam hay vườn cam trồng theo thời hiện đại (ăn nhanh) mà trước đây các nhà khoa học thường gọi là “cam rau” đã cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trở nên giàu có nhờ trồng cam. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp vừa công bố trên bản đồ số vùng nguyên liệu Cam sành Tam Bình có diện tích 2.228,8 ha, tổng số có 2.405 vườn, với tổng sản lượng khoảng 133,548 tấn trải đều ở 17 xã – thị trấn; trong đó tập trung nhiều nhất là xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Ngãi Tứ chiếm khoảng 40% diện tích chung toàn huyện.
Năm 2022, diện tích đất lúa chuyển sang trồng cam sành tăng 817ha và hiện còn đang có xu hướng phát triển thêm. Tuy nhiên, tình trạng chuyển đổi tự phát không theo quy hoạch đang là vấn đề mà các nhà quản lý cần phải xem xét, phải tuyên truyền cho người dân tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư, tránh tập trung một loại cây trồng rồi sẽ dẫn đến việc ứ đọng trong khâu tiêu thụ, rớt giá dẫn đến lỗ lã. Theo tính toán của các nhà vườn, chi phí cho 01 công cam (1000 m2 ) từ khi trồng đến khi thu hoạch thì chi phí gần 100 triệu đồng, nếu cam dưới 10.000 đồng/kg thì coi như là không có lời. Mặt khác, việc không theo quy hoạch dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ ngành Nông nghiệp như: giữa trồng cam với trồng màu, giữa trồng cam với trồng lúa, từ khâu quản lý nước đến máy cày, máy xới hoạt động trên đồng ruộng, … .

Như chúng ta đã biết, người Nông dân thường chạy theo cái lợi ích trước mắt, việc nào có lợi thì làm mà không nghĩ cái sâu xa, lâu dài; thực tế đã minh chứng cho điều đó là xoài, nhãn, mít thái, thanh long đã một thời giúp nông dân lên hương nhưng cũng không ít hộ phải nợ nần, phá sản, nhất là những hộ làm theo sau.
Thực tế là như vậy, nhưng trách nhiệm của nhà lãnh đạo, quản lý phải đề ra những giải pháp phù hợp giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, đi lên một cách bền vững. Đầu tiên có thể nói đến là công tác quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp; kế đến là chọn loại cây trồng mang hiệu quả cao nhất, ổn định nhất; chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ; hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ giúp nông dân vốn đầu tư ban đầu; thành lập các tổ sản xuất và có thể liên kết để hình thành hợp tác xã, tạo thế mạnh trong cạnh tranh giá cả và thị trường tiêu thụ,… tránh tình trạng mạnh ai nấy bán, được giá nào bán giá ấy. Có như thế thì chuyển đổi cây trồng theo hướng đi hiện nay mới thành công, nông dân mới thực sự an tâm sản xuất và làm giàu trên chính mãnh đất của mình, trên chính quê hương mình.
T.Tiến