1.Tên Sách: Những Tấm Ảnh Trở Về
* Tác giả: Nhà Văn Chu Lai, nhà báo Dương Đức Quảng, Đại tá Hàn Thụy Vũ, Chị Bùi Ngọc Hiên và nhiều tác giả khác…, Nhà Xuất Bản Phụ Nữ- Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh; 243tr; 21 cm
Mạnh hơn cái chết. Mạnh hơn thời gian. Cái phi thường bay lên từ sự bình thường. Nhân cách con người, phẩm cách dân tộc ngào trộn với nhau thành sức mạnh tinh thần. Tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc gắn kết với nhau thành đức hy sinh cao thượng. Chiến tranh và hòa bình. Hậu phương và chiến tuyến. Khát vọng và hy vọng. Nỗi niềm riêng và sứ mệnh lịch sử. Đau thương tột cùng nhưng cũng hào sảng tột cùng. Sống và chết. Sự ra đi đánh thức cái ở lại.
Thời gian là vô tận, không gian là vô cùng. Thời gian mới đó mà đã hơn ba mươi năm trôi qua. Hơn ba mươi năm không còn tiếng súng. Hơn ba mươi năm hàn gắn vết tử thương chiến cuộc nhọc nhằn. Dòng đời cuộn chảy. Kiếp mưu sinh vật vã. Và con người sẽ cứ mãi vùi đầu vào gió bụi đời thường mà dễ quên đi tất cả nếu như một sáng mai này hình ảnh những con người ấy không bất chợt hiện về. Hiện về vừa ngọt ngào vừa nhức nhối. Hình ảnh của những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… và giờ đây là Nguyễn Văn Giá.
Nguyễn Văn Giá! Một cái tên rất đỗi bình thường như muôn triệu những cái tên bình thường khác còn và mất trong chiến tranh, nhưng nếu để tâm đọc hết những trang nhật ký, những bức thư gửi vợ, những tấm hình trận mạc anh để lại thì tự trong sâu thẳm lòng ta bỗng như vỡ nổ ra một điều gì rất lạ! Như hình ảnh người phóng viên quay phim mặt trận vẫn còn đó, như tiếng nói đẫm tình yêu thương với con người, với cuộc đời vẫn đang thì thầm khe khẽ vang bên tai ta, như anh không chết, chưa bao giờ chết.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu không muốn cũng là dân tộc trận mạc. Trong trận cuồng phong trận mạc ấy, không chỉ con trai mà con gái cũng ra trận, không chỉ người lính mà cả các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà quay phim, nhiếp ảnh, họa sĩ... cũng xông pha tạo thành một binh chủng lặng thầm nhưng đầy ắp sự dâng hiến và những chiến công hiển hách.
Anh là một trong những giai điệu làm nên bản tổng phổ hoành tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh và vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi đó. Theo tiếng gọi non sông, anh tình nguyện xung vào Quảng Ngãi, nơi có rẻo đất Phổ Cường, Đức Phổ được đánh giá là một trong những địa bàn có mức độ ác liệt nhất toàn chiến trường miền Trung. Đây chính là mảnh đất đã nuôi dưỡng người nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm mà chính anh, với tư cách phóng viên đã có lần chụp ảnh chị ngồi trên cánh võng giữa rừng già.
Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Giá, hai con người, hai công việc nhưng lại rất chung nhau một nỗi niềm riêng lẻ khuất. Dường như chiến tranh càng ác liệt, cái chết càng đến gần, sự suy tưởng trong tâm hồn mỗi con người càng thăng hoa mãnh liệt. Mãnh liệt đến nỗi họ phải tìm cách tự độc thoại với chính mình qua những trang nhật ký để được trang trải suy tư, được cứu rỗi linh hồn, được đỡ nâng, làm điểm tựa cho những chặng đường hiểm nguy quá chừng phía trước và để khỏi gục ngã. Tức là hàng ngày họ phải tự mở một trận đánh với chính mình để vượt lên cái chết và vượt lên hoàn cảnh tưởng chừng như không chịu nổi. Những trận đánh còn ngàn lần khốc liệt hơn những trận đánh trước kẻ thủ. Những trận đánh vô hình và vò xé. Và chính sự vò xé giữa cái riêng yếu đuối và cái chung hào hùng đã là một chất liệu đặc biệt làm nên chính con người họ. Người cách mạng không bao giờ là những robot chiến binh, không bao giờ là những cỗ máy chiến đấu vô tri vô giác. Họ cũng trăn trở, day dứt, buồn vui, cũng nhận ra những cái xấu, cái kém, cái cơ hội của những cá thể xung quanh, cũng đôi khi thối chí nản lòng để rồi đêm qua ngày tới, cái còn lại trong lòng họ là cảm hứng hiến dâng cho đại cuộc.
Anh đã ngã xuống trong một trận càn hủy diệt không cân sức với một cái máy ảnh bị đạn xuyên qua nhưng hai cuộn phim còn lại vẫn nguyên vẹn. Cái chết của anh cách cái chết của bác sĩ Trâm không bao lâu, và chết trên cùng một mảnh đất giờ đây đã đi vào lịch sử. Chỉ khác, bác sĩ Trâm để lại hai cuốn nhật ký, còn anh lại để lại những tấm hình chụp du kích, người dân thôn Nga Mân…
50 tấm hình là 50 khuôn mặt, là 50 số phận, 50 cuộc đời. Những khuôn mặt lành hiền như đất đai, cây cỏ, những khuôn mặt ấm sáng lên niềm kiêu hãnh chấp nhận đau thương vì lẽ sống còn của dân tộc. Một bà má, một trẻ thơ, một cô du kích, một anh bộ đội, một cô gái làng, một thầy giáo... Tất tất cả đều toát lên vẻ khắc khổ, chịu đựng, bền bỉ, kiên trung mà người phóng viên - nghệ sĩ đã chớp được để muốn khẳng định với cuộc đời, với nhân loại rằng, người Việt Nam ngàn đời nay chỉ biết cần lao làm lụng, nhưng nếu cần họ cũng biết đứng dậy đánh đổi cả cuộc sống hiền hòa của mình lấy tự do độc lập. Những tấm hình có hồn, những tấm hình bất tử, những tấm hình không phải chỉ của ngày qua mà còn là của hôm nay, của mãi sau này, những tấm hình thể hiện phẩm cách nước non dân tộc Việt. Những tấm hình còn lại, chỉ có người chụp được nó đã nằm xuống, chìm vào cây cỏ đất đai cái mảnh đất mà anh hằng coi như quê hương, coi như thánh địa sáng tạo của mình.
*Thông tin sách:
- Môn loại: Đ. VV-06
- Số đăng ký cá biệt: 6522
2.Tên Sách: Vùng Đất Huyền Thoại
* Tác giả: Khánh Vân (Sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn), Nhà Xuất Bản Thanh Niên; số 64, Bà triệu, Hoàn Kiếm - Hà Nội; 299tr; 21 cm
Hiếm có vùng đất nào trên thế giới như Tổ quốc Việt Nam của chúng ta, đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử hết sức hào hùng, không ngừng dựng xây, liên tục chiến đấu vô cùng oanh liệt. Để dải đất hình chữ S mãi mãi trường tồn, xanh tươi rạng rỡ, mỗi tấc đất Việt Nam đã nhuốm máu, thịt của biết bao thế hệ người Việt. Để đất nước Việt Nam có hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay, dân tộc chúng ta đã phải trải qua biết bao các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát to lớn. Biết bao hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại gắn với những tên đất, tên người.
Để nhắc nhớ, trân trọng và biết ơn Những vùng đất huyền thoại, máu và hoa ấy, Nhà xuất bản Thanh niên và Công ty TNHH DVTM Văn hóa Phương Đông đã tổ chức xuất bản cuốn sách Vùng đất huyền thoại
Cuốn sách được sưu tầm, tuyển chọn những bài viết hay, đặc sắc của nhiều tác giả, được lựa chọn dựa trên cơ sở những tư liệu sưu tập được một cách tương đối về những vùng đất, địa danh đã đi vào lịch sử, gắn liền với sự hy sinh to lớn, những chiến công vang dội, của hàng trăm, hàng ngàn, thậm trí hàng chục ngàn các đồng bào, các anh hùng, liệt sĩ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong hai cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, trên từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc.
Trải dài trên đất nước ta, Những vùng đất huyền thoại là không thể kể xiết. Song do sự hạn chế của một cuốn sách, không thể kể nhiều hơn, kỹ hơn về những địa danh lịch sử hùng tráng này.
Những vùng đất huyền thoại trong cuốn sách chỉ là những địa danh được lựa chọn, dựa trên cơ sở những tư liệu sưu tầm được và sắp xếp theo thứ tự chữ cái... một cách tương đối, để thấy rằng tất cả những Vùng đất huyền thoại là ngang bằng trong mọi giá trị.
Sách chỉ liệt kê 15 vùng huyền thoại nói về sự hy sinh làm lay động lòng người; Truông Bồn huyền thoại tiêu biểu là sư hy sinh của 13/14 chiến sĩ Đại đội TNXP 317 đã mãi mãi ra đi, như một câu thơ của Thanh Thảo:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc! ”
* Thư viện huyện Tam Bình Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
*Thông tin sách:
- Môn loại: 895/V513Đ
- Số đăng ký cá biệt: DV.000388
Nguyễn Tươi