Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04 tháng 10 đến 14g00 ngày 10 tháng 10, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh và xuống chậm. Trên sông Tiền, tại trạm Mỹ thuận là 2,07m (ngày 05 tháng 10), cao hơn so với đỉnh mực nước năm 2023 là 0,01m. Mực nước cao nhất trên sông Hậu, tại trạm Cần thơ là 2,10m (ngày 05 tháng 10), thấp hơn so với đỉnh mực nước năm 2023 là 0,07m.
Từ ngày 10 tháng 10 cho đến ngày 13 tháng 10 tại các sông trong địa bàn tỉnh mực nước xuống theo kỳ triều, từ ngày 13 tháng 10 cho đến ngày 21 tháng 10 mực nước đỉnh triều hàng ngày lên nhanh theo diên biên của kỳ triêu Rằm tháng Chín Âm lịch, đây là thời kỳ mực nước chịu ảnh hưởng của Lũ thượng nguồn đổ về kết hợp kỳ Triều cường cao trong năm. Mực nước cao nhất tại các nơi trong tỉnh có khả năng xuất hiện vào ngày 19 đến 20/10/2024 (Nhằm ngày 17 đến 18 tháng Chín Âm lịch) ở mức trên Báo động III khoảng 0,10m đến 0,35m. Nhận định đây là thời kỳ mực nước đạt đỉnh của năm 2024.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến của đợt triều cường rằm tháng 9 Âm lịch, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tam Bình đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã, thị trấn thực hiện các công việc sau:
(1). Thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó;

Ảnh: chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống triều cường rằm tháng 9 âm lịch
(2). Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, diễn biến đợt triều cường rằm tháng 9 Âm lịch trên các sông, kênh, rạch trong địa bàn quản lý, thông tin kịp thời từ huyện đến xã, thị trấn và người dân, nhất là vùng thấp, vùng trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh.
(3). Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước, tổ chức hướng dẫn các đoạn đường bị ngập,... tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, bị ngập nước.
(4) Tổ chức tuần tra, chuẩn bị bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát...) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", không để xảy ra tình trạng vỡ bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra;
(5). Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, đập, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, chủ động phương tiện tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp; nạo vét, khai thông cống rãnh; chủ động vận hành các máy bơm tiêu thoát nước để chống ngập úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái;
(6). Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu và thủy sản đã đến kỳ thu hoạch; cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt; sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai có thể xảy ra;
(7). Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến tình hình triều cường rằm tháng 9 âm lịch trên địa bàn xã - thi trấn; đồng thời báo cáo tình hình ảnh hưởng của triều cường rằm tháng 9 âm lịch, các đề xuất, kiến nghị về Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện qua số điện thoại 02703 860 255 email: pnn.htb@vinhlong.gov.vn để tổng hợp, báo cáo BCH PCTT&TKCN tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo./.
N.M