Trần Đại Nghĩa sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là một nhà giáo nghèo yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc. Cha qua đời khi ông 6 tuổi. Chị ông phải nghỉ học để giúp mẹ nuôi dưỡng cho ông ăn học. Đỗ đầu hai bằng tú tài Việt và Pháp năm 20 tuổi, ông làm việc tại tòa sứ Mỹ Tho để giúp mẹ, giúp chị, nhưng lòng vẫn nuôi chí lớn.
Năm 1935, được sự giúp đỡ của nhà báo Dương Quang Ngưu, ông nhận học bổng du học Pháp. Để có điều kiện, cơ hội tiếp thu được nhiều tri thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ đương thời và thực nghiệm, thực hành tri thức đó, từ năm 1935 đến 1945 ông phải vừa học vừa làm và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân toán với 6 bằng đại học và tương đương tại các trường: Bách Khoa Paris, Đại học Mỏ Paris, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Ông làm việc tại Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ của Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Một số sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936 – Phạm Quang Lễ hàng đầu đeo kính
Theo lời mời của Chính phủ Pháp, tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp nhằm vận động ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam từ các chính khách, văn nghệ sĩ cùng nhân dân Pháp và thế gới, đồng thời theo dõi diễn biến Hội nghị Fontainebleau (do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn). Khi Hội nghị Fontainebleau giữa hai chính phủ không có kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9 với đại diện Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian hoà bình cho Việt Nam, rồi trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo đất nước chuẩn bị kháng chiến. Nghe theo tiếng gọi non sông, kỹ sư Phạm Quang Lễ từ bỏ cuộc sống đủ đầy với mức lương tương đương 22 lượng vàng/tháng, mang 1 tấn sách chuyên ngành, 30.000 trang tài liệu mật về vũ khí và chế tạo vũ khí, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến. Ông được Chủ tịch đặt tên Trần Đại Nghĩa.

Kỹ sư Trần Đại Nghĩa (đeo gương đứng sau) theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về nước (9/1946)
Trả lời câu hỏi tại sao ông lại tình nguyện rời bỏ cuộc sống đầy đủ tại Pháp để về nước tham gia kháng chiến, chấp nhận cuộc sống muôn vàn khó khăn gian khổ, ông nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.
Ngày đất nước thống nhất, Trần Đại Nghĩa có ghi vào sổ tay: “Ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mạng của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”.
Đó là chí lớn của Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa.
Theo sách Hồ Chí Minh toàn tập, thì Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Trần Đại Nghĩa là người Việt Nam duy nhất được Bác Hồ gọi là “đại trí thức”[1] (những lãnh tụ phong trào Đông du một lần được Bác gọi là “Những nhà trí thức lớn”[2]. Một lần Bác gọi nhà khoa học nữ người Trung Quốc tên Lý Mận Hoa[3] và một lần gọi nhà khoa học đạt giải Nobel tên Quyri (đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, con rễ nữ bác học Mari Quyri)[4] là “đại trí thức”). Trần Đại Nghĩa cũng là người duy nhất được Bác Hồ gọi là “Anh hùng lao động trí óc” (nhắc đến 2 lần)[5].
Bác Hồ đã viết về ông trên Báo Nhân dân, số 61, ngày 12/6/1952 như sau:
“TRẦN ĐẠI NGHĨA
Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa. Lúc kỹ sư Nghĩa mới về, Hồ Chủ tịch bảo: “Nước ta thiếu máy móc, thiếu nguyên liệu, thiếu thợ lành nghề. Song giàu về rừng núi, giàu về quyết tâm. Vậy chú phải đưa những cái đã học được ở nước ngoài mà áp dụng vào hoàn cảnh thiết thực ở nước ta, để phụng sự Tổ quốc...”. Kỹ sư Nghĩa vui vẻ trả lời: “Thưa vâng!”.
Từ đó, kỹ sư Nghĩa luôn luôn cố gắng làm đúng lời hứa: Khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những học thức rộng rãi ở châu Âu áp dụng vào điều kiện eo hẹp của nước ta. Đồng chí rất giỏi về khoa học máy, nhưng lúc thực hành thì không “máy móc”. Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành”[6].
Những điều Bác Hồ nhận xét về ông trên báo, luôn luôn được chứng minh chắc chắn bằng chính cuộc sống thầm lặng mà sôi động, cần cù lao động và không ngừng sáng tạo của ông. Với bản tính liêm chính, trung thực, khiêm tốn, giản dị, biết quan tâm đến mọi người, biết lo lắng cho đại cuộc và với vốn kiến thức sâu rộng lại thông thạo thực hành, không ngừng cải tiến, sáng tạo trong chế tạo vũ khí vệ quốc, trong công tác nghiên cứu khoa học, trong lãnh đạo quản lý, ông được Đảng, Nhà nước, xã hội thừa nhận, tôn vinh. Vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Trần Đại Nghĩa có 10 “cái nhất”, “cái đầu tiên” đáng để đội ngũ trí thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ Việt Nam ngưỡng mộ, tự hào:
(1) Là một trong 4 trí thức Việt kều đầu tiên đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến Người thăm Pháp trở về (9/1946) (cùng với kỹ sư Võ Quí Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh, bác sĩ Trần Hữu Tước) để trực tiếp tham gia kháng chiến.
(2) Kỹ sư quân giới đầu tiên của Việt Nam (1946).
(3) Cục trưởng đầu tiên (1947) của Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam).
(4) Được phong quân hàm Thiếu tướng đợt phong tướng đầu tiên (theo Sắc lệnh số 117-SL, ngày 25/1/1948, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký).
(5) Được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động, tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952 (theo Sắc lệnh số 107-SL, ngày 10-8-1952, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký)[7].
(6) Hiệu trưởng đầu tiên Trường đại học Bách khoa Hà Nội (1956).
(7) Người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô năm 1966[8].
(8) Viện trưởng đầu tiên Viện Khoa học Việt Nam (1975 - 1983).
(9) Chủ tịch đầu tiên, nhiệm kỳ I (1983 – 1988) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
(10) Được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (năm 1996), về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật SKZ, bom bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954.
Một số vũ khí do kỹ sư Trần Đại Nghĩa chủ trì chế tạo
|

Bazoka SKZ (Đại bác không giật) Bom bay (hỏa tiễn)
Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vì nghĩa lớn mà quyết chí học tập tri thức, rèn luyện kỹ năng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; vì nghĩa lớn mà ông từ bỏ nơi giàu sang, phú quý, thanh bình để tham gia kháng chiến, phải đương đầu, khắc phục, giải quyết mọi thiếu thốn, khó khăn; vì nghĩa lớn mà kiên trì, quyết tâm, tổ chức chế tạo, sản xuất thành công và cải tiến nâng cao hiệu quả nhiều loại vũ khí có ý nghĩa quan trọng trong chiến đấu và chiến thắng; vì nghĩa lớn mà vui vẻ nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao dù ở cương vị, chức vụ nào; vì nghĩa lớn nên không ham danh vọng, sống đời giản dị, thanh bạch; vì nghĩa lớn, nên ông xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ, tài đức vẹn toàn.
Nghĩ về nghĩa lớn của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa I, ta càng thêm yêu quý, kính trọng ông và cũng nguyện với lòng mình sao cho xứng đáng với hoài bão của ông, xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trở thành tổ chức chính trị - xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngày có nhiều đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước, cho xã hội và được xã hội tin tưởng.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, trang 422, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, năm 2011.
[2] “Đến năm 1906, ở Đông Dương diễn ra một làn sóng hướng về Nhật Bản. Những nhà trí thức lớn chạy sang Tôkiô, hy vọng sớm trở về truyền lại cho anh em khác” (Sách đã dẫn, Tập 1, trang 518).
[3] Bài “Lao động là vẻ vang” đăng Báo Nhân dân, số 1135, ngày 16/4/1957 (Sách đã dẫn, Tập 10, trang 530).
[4] Bài “Đảng Lao động Việt nam với lao động trí óc” đăng Báo Nhân dân, số 6, ngày 1-5-1951 (Sách đã dẫn, Tập 7, trang 71).
[5] Sách đã dẫn, Tập 7, trang 422 và Tập 8, trang 53.
[6] Sách đã dẫn, Tập 7, trang 422.
[7] Trần Đại Nghĩa (Anh hùng lao động trí óc) cùng với 2 Anh hùng Lao động: Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng quân đội: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Cù Chính Lan (truy tặng).
[8] Sau đó là các Giáo sư Viện sĩ: Nguyễn Khánh Toàn (năm 1976), Nguyễn Văn Hiệu (năm 1982), Nguyễn Duy Quý (Viện Hàn lâm Khoa học Nga, năm 1999); Đặng Vũ Minh (Viện Hàn lâm Khoa học Nga, năm 1999).