Diện tích nhiễm trong tuần 5.534ha (chiếm tỷ lệ 15,6% diện tích xuống giống), tăng 189 ha so với tuần trước. Tình hình dịch hại diễn biến như sau:
- Lem lép hạt: diện tích nhiễm 1.786 ha, tăng 563 ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn trổ đến chắc xanh, với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các huyện trong tỉnh.
- Bệnh đạo ôn: diện tích nhiễm 1.638 ha, tăng 36 ha so với tuần trước, phân bố rải rác các huyện trong tỉnh. Trong đó: đạo ôn lá: 640 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10 %, gây nhiễm trên trà lúa đòng trổ; đạo ôn cổ bông (thối cổ gié) nhiễm 998 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa trổ - chín.
- Cháy bìa lá (bạc lá): diện tích nhiễm 794ha, giảm 128 ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn đòng trổ, với tỷ lệ phổ biến 10-15%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Tam Bình và Vũng Liêm.
- Đốm vằn: diện tích nhiễm 170 ha, giảm 104 ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn trổ, với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các xã của huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm.
- Chuột: diện tích gây hại 329 ha, giảm 22 ha so với tuần trước, gây hại giai đoạn trổ đến chắc xanh, với mật số phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Vũng Liêm.
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (từ ngày 11/10 đến ngày 18/10/2024)
a. Lúa vụ Thu Đông 2024
Các trà lúa đang tập trung giai đoạn trổ-chín đến thu hoạch nhưng hiện nay do tình hình thời tiết mưa nhiều kèm theo gió lớn nên lúa Thu Đông 2024. Cần chú ý các vấn đề:
- Đỗ ngã: diện tích lúa bị đỗ ngã thời gian tới có khả năng gia tăng nhất là trên trà lúa chắc xanh-chín.
- Bệnh đạo ôn- lem lép hạt: diện tích và mức nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết mưa nhiều và giai đoạn lúa trổ chín (trên trà muộn) thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm,…có thể nhiễm mức trung bình. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông (thối cổ gié) và lem lép hạt cần phun ngừa bệnh 02 thời điểm: lúc lúa trổ lẹt xẹt (khoảng 5%) và phun lại lúc lúa trổ đều.
- Bệnh cháy bìa lá (bạc lá), vàng lá chín sớm: diện tích và tỷ lệ nhiễm nhẹ có khả năng tăng do điều kiện thời tiết mưa liên tục, nhất là giai đoạn lúa đòng trổ (trên trà lúa muộn) thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm.
- Chuột: gây hại ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn trổ chín, đặc biệt chú ý một số diện tích gần khu vực gò cao, vườn cây ăn trái rậm rạp, trồng cỏ nuôi bò,… có khả năng bị thiệt hại trung bình đến nặng.
b. Lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 sớm
- Ốc bươu vàng: do thời tiết có mưa nên ốc bươu vàng có điều kiện phát triển, có thể gây hại trên lúa mới xuống giống, nhất là những vùng trũng, ngập nước, không chủ động các biện pháp diệt trừ.
- Bệnh đạo ôn lá (cháy lá): dự báo thời gian tới có thể gia tăng diện tích, tỷ lệ nhiễm do điều kiện thời tiết hiện nay có mưa nhiều vào chiều tối, ẩm độ không khí cao thích hợp cho bệnh phát triển nhất là trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa
- Tình hình thời tiết mưa nhiều, kết hợp với triều cường lên cao lúa Thu Đông thu hoạch phải nhanh gọn tránh thất thoát bằng cách như: phơi sấy, thu hoạch bằng máy. Đồng thời, đối với những nơi có khả năng ngập lũ cần tiến hành thu hoạch lúa nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra.
- Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân 2024-2025 cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly giữa 02 vụ ít nhất 14 ngày, theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn, xuống giống tập trung, né rầy theo từng khu vực, cánh đồng tại địa phương nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.
- Giải pháp để phòng tránh tình trạng ngập úng do lũ, triều cường cho diện tích lúa còn lại trên đồng phải thực hiện đồng bộ các công việc cụ thể như: gia cố đê bao, cống đập vững chắc, đào rãnh thoát nước tạo điều kiện thuận lợi để chủ động rút nước kịp thời khi có mưa to, đối với những mảnh ruộng không chủ động nguồn nước thì phải chuẩn bị sẵn máy bơm để thoát nước khi cần thiết.
- Diện tích nhiễm lúa cỏ có chiều hướng tăng nhanh qua các vụ lúa khuyến cáo bà con nông dân làm đất thật kỹ trước khi xuống giống để tránh thiệt hại đến năng suất lúa Đông Xuân sắp tới.
- Để phòng ngừa bệnh cháy bìa lá lúa hiệu quả: nên áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ: sạ thưa, giống ít nhiễm, làm đất bằng phẳng, bón phân cân đối kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm- phân bón lá, phun ngay bằng các loại thuốc đặc trị kịp thời vào lúc trời mát.
- Lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ-chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
Lê Thị Chính
CC. Trồng trọt & BVTV Vĩnh Long
|