
ảnh: trà lúa bị nhiễm lem lép hạt huyện Long Hồ
Diện tích nhiễm trong tuần 5.367 ha (chiếm tỷ lệ 15,2% diện tích xuống giống), tăng 841 ha so với tuần trước do tình hình thời tiết mưa bão liên tục kéo dài, kèm theo gió mạnh, kết hợp phần lớn các trà lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ, trà lúa này rất mẫn cảm với các đối tượng dịch hại nên diện tích nhiễm sâu bệnh tăng mạnh (nhất là bệnh đạo ôn, lem lép hạt, đốm vằn, cháy bìa lá, vàng lá, chuột,...) nhưng mật số và tỷ lệ nhiễm nhẹ. Tình hình dịch hại diễn biến như sau:
- Bệnh đạo ôn: diện tích nhiễm 2.136 ha, tăng 445 ha so với tuần trước, phân bố rải rác các huyện trong tỉnh. Trong đó:
+ Đạo ôn lá (cháy lá): diện tích nhiễm 1.770 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, nơi tỷ lệ bệnh cao 20% có 420 ha huyện Vũng Liêm, gây nhiễm trên trà lúa đòng trổ.
+ Đạo ôn cổ bông (thối cổ gié): diện tích nhiễm 366 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa trổ - chắc xanh.
- Cháy bìa lá (bạc lá): diện tích nhiễm 1.243 ha, tăng 367 ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn đòng trổ, với tỷ lệ phổ biến 10-15%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình và Vũng Liêm.
- Vàng lá do vi khuẩn: diện tích nhiễm 334 ha, tăng 46ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn đòng trổ, với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình và Trà Ôn.
- Lem lép hạt: diện tích nhiễm 361 ha, tăng 202 ha so với tuần trước, gây nhiễm giai đoạn trổ đến chắc xanh, với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình.
- Chuột: diện tích gây hại 276 ha, tăng 19 ha so với tuần trước, gây hại giai đoạn trổ đến chắc xanh, với mật số phổ biến 5-10%. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Vũng Liêm.
Ngoài ra, các đối tượng khác như: rầy nâu (rầy cám mới nở tuổi 1,2), sâu cuốn lá, rầy phấn trắng, sâu đục thân, bệnh thối thân,... chỉ xuất hiện và gây hại nhẹ.
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (từ ngày 27/9 đến ngày 04/10/2024)
- Bệnh đạo ôn, lem lép hạt: dự báo trong thời gian tới sẽ phát sinh, phát triển trên trà lúa trổ đến chắc xanh, đặc biệt dễ lây lan khi điều kiện thời tiết mưa bão nhiều, ẩm độ cao. Bệnh lem lép hạt có nhiều nguyên nhân gây hại (như nấm, vi khuẩn, nhện gié, bọ xít hôi chích hút,…). Do đó, những ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm vằn, bệnh vàng lá chín sớm, bọ xít hôi... có nguy cơ bị bệnh lem lép hạt nhiều hơn so với những ruộng khác.
- Chuột: tiếp tục gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy, ruộng có gò cao, ven đường, bãi hoang, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ không tập trung. Do đó, bà con nông dân cần chủ động có biện pháp xử lý thích hợp, tránh sử dụng thuốc hóa học có độ độc cao gây hại cho con người và môi trường.
- Bệnh đốm vằn, cháy bìa lá (bạc lá), vàng lá chín sớm: tiếp tục phát sinh, phát triển trên trà lúa giai đoạn làm đòng - trổ, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm,… có thể bị nhiễm trung bình đến nặng.
- Rầy phấn trắng: Tiếp tục theo dõi rầy phấn trắng ngoài đồng, khi phun thuốc phòng trừ lưu ý đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng, trong đó phải đảm bảo lượng nước phun, pha thêm chất bám dính để tăng hiệu quả phòng trừ.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa
- Trước tình hình thời tiết mưa bão nhiều, ẩm độ tăng cao tạo điều kiện cho các bệnh do nấm như: đạo ôn, lem lép hạt, thối bẹ, đốm vằn, bệnh do vi khuẩn như cháy bìa lá, thối gốc lúa, vàng lá sẽ gây hại. Vì vậy bà con phải chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời, sử dụng đúng thuốc để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển mạnh. Bên cạnh đó cũng lưu ý các đối tượng sẽ gây hại nhẹ như sâu đục thân, muỗi hành trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đòng trổ.
- Đối với những ruộng đã bị nhiễm rầy phấn trắng, nếu mật số trên 300con/m2, tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin, Pymetrozine. Khi phun cần lưu ý nguyên tắc 4 đúng và chỉnh bét phun mịn hạt, nên phun sáng sớm (khoảng 6 đến 9 giờ) do rầy còn ướt cánh, bay chậm. Đối với những ruộng canh tác những giống dễ nhiễm như Jasmine, Đài thơm 8, IR50404, chú ý ruộng bón thừa đạm hoặc bón phân đạm muộn, ruộng lúa rậm rạp, phun thuốc trừ sâu sớm. Bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, khi thăm đồng nên khua động tán lá xem có rầy phấn bay lên hay không, đồng thời quan sát những mạng nhện trên ruộng lúa xem có rầy phấn dính vào mạng nhện không, quan sát mặt dưới lá lúa xem có rầy dưới lá hay không.
- Lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ-chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
https://nongnghiep.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/263900