Lần đầu tiên có bảo vật và di sản phi vật thể quốc gia
Theo kiểm kê, toàn tỉnh có trên 700 di tích, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác di sản văn hóa bằng nhiều hình thức, Ban quản lý các di tích đã nâng cao ý thức, quản lý và khai thác giá trị các di tích trong tỉnh đều tuân theo luật định.
Công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các di tích xuống cấp cũng được thực hiện kịp thời và thường xuyên. Năm năm qua, tỉnh đã trùng tu 42 lượt di tích với hơn 114 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa, góp phần cho các di tích ngày càng khang trang hơn, đáp ứng tốt nhu cầu ngưỡng vọng của nhân dân.

Lễ hội tại các di tích được thực hiện theo nghi thức truyền thống, phát huy được giá trị của di sản văn hóa
Đặc biệt, năm 2019 tượng thần Vishnu Vũng Liêm được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh. Đến đầu năm 2020, Vĩnh Long tiếp tục nhận thêm tin vui là lần đầu tiên, Bộ VHTTDL quyết định đưa Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn diễn ra trong 2 ngày mùng 3- mùng 4 tết Canh Tý.
Vĩnh Long có khoảng 1.400 lễ hội. Hàng năm, lễ hội được Ban quản lý các di tích tổ chức trang trọng, nhằm cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân được an cư, lạc nghiệp. Phần lễ được thực hiện với những nghi thức truyền thống, còn phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, đa dạng thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Riêng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ), Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) và Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình), hàng năm đều được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất, nhằm thể hiện lòng thành kính, tri ân của các thế hệ người dân Vĩnh Long đối với bậc tiền nhân có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Chú trọng công tác giáo dục thế hệ trẻ
Thống kê từ năm 2014- 2019, các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trong tỉnh đã đón trên 2,1 triệu lượt du khách đến chiêm bái, tham quan. Chỉ tính riêng năm 2019, có trên 322.000 lượt khách tham quan, tăng 10% so cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy: “Việc tổ chức lễ hội tại các di tích có nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả, mang tính cộng đồng cao, thể hiện được truyền thống tín ngưỡng, văn hóa dân gian của tỉnh”- ông Lưu Thành Công, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đánh giá.
Ông Lưu Thành Công cũng nhận định nhận thức của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở và các ngành chức năng về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích trong tỉnh ngày càng tốt hơn, vì thế mà vấn đề quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, số lượng di tích lịch sử văn hóa còn ít so với trên 700 di tích được kiểm kê. Ông Lưu Thành Công lưu ý ngành VHTTDL tỉnh xem xét, rà soát lại các di tích trên địa bàn tỉnh, chủ động xây dựng hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng cho tương xứng với số lượng di tích của tỉnh đang sở hữu. Đồng thời, tiếp tục quan tâm tu sửa, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng; đối với những di tích chưa xếp hạng, Sở VHTTDL cần có giải pháp bảo tồn, tránh để di tích bi hư hại, xuống cấp, nhất là những di tích, công trình nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao.

Đầu năm 2020, lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn được Bộ VHTTDL quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bên cạnh trùng tu, tôn tạo di tích, phối hợp với các hãng du lịch lữ hành thiết kế chương trình tour, tuyến đưa khách trong và ngoài nước đến du lịch tại địa phương gắn kết tham quan, tìm hiểu về di tích, thiết nghĩ để phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa, chúng ta cần quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản mang lại trong đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện phát triển công nghệ hiện đại như hiện nay, thì việc giáo dục cho học sinh, sinh viên biết, hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, nhằm giúp cho thế hệ trẻ “tường tận gốc tích, nước nhà Việt Nam” là việc làm cần thiết và mang nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh, Phó Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Sở VHTTDL chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để cùng nhau thực hiện tốt vấn đề này. Không những vậy, chúng ta cần trang bị thêm tủ sách và “tóm tắt tiểu sử các danh nhân, lý lịch di tích treo trong khuôn viên các di tích, giúp cho học sinh và người dân đến tham quan dễ dàng tìm hiểu và tiếp cận thông tin về sự hình thành và phát triển của vùng đất và con người nơi đây”- ông Lâm Đặng Hồng Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long kiến nghị.
Trao đổi vấn đề này, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Long khẳng định: “Tuyên truyền công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh là chủ trương đúng đắn và thiết thực của tỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên đề về di tích, di sản văn hóa và những văn bản liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về di sản văn hóa cho các Ban quản lý di tích, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, những người công tác trên lĩnh vực văn hóa, di sản biết để nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Đồng thời, Sở phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long mở chuyên mục giới thiệu về du lịch, di tích, đặc biệt là bảo vật quốc gia để cả cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy tốt những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản”.
BOX: Sở VHTTDL đăng ký và đã được Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt đưa vào danh mục nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở năm 2020 hai đề tài gồm: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long” và đề tài “Nghiên cứu lễ Xuân tế Cầu an tại di tích Công Thần miếu, phường 5, TP.Vĩnh Long”. Đây có thể xem là một trong những giải pháp góp phần nâng cao giá trị các di tích và là cơ sở đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa lễ hội Xuân tế cầu an vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT