Là cù lao nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, nơi tập trung nhiều điểm du lịch. Cù lao rộng khoảng 60 km2, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú. Ðất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, sapôchê..
Vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo tại ấp Bình Thuận xã Hoà Ninh với hàng trăm các loại cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thuỷ, lài... xung quanh nhà là vườn nhãn và ao nuôi cá tai tượng, loại cá thịt ngon.
Cù lao An Bình
Nhà sàn ông Mười Ðầy: nhà sàn cất bằng gỗ trên rạch Ninh Hoà, phía sau nhà là vườn nhãn, bưởi, sapôchê. Nhà được chọn là nơi phục vụ khách du lịch ăn trưa và nghỉ đêm trong chương trình "Ði trong màu xanh đồng bằng sông Cửu Long" của công ty du lịch Cửu Long.
Ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng được xây cất theo kiến trúc Pháp có sân rộng và phía sau là vườn chôm chôm và nhãn. Ðây là nơi ăn trưa và nghỉ đêm dành cho khách du lịch.
Các vườn trái cây đặc sản khác Vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác
Vườn bưởi trên cù lao Mỹ Hoà huyện Bình Minh, cách Vĩnh Long 30 km, chuyên trồng bưởi năm roi, loại bưởi ngon nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch cưỡi đà điểu tại trang trại Vinh Sang, ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có từ đầu năm. Nơi đây đã thu hút hàng nghìn du khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 15-20%.
Ngay khi bước vào cổng trang trại, anh bảo vệ hướng dẫn đến khu vực nuôi đà điểu. Cả đội có 33 con, những chú trống được nuôi riêng 1 chuồng phục vụ du khách. Theo anh Vinh, chủ trang trại, "con trống to hơn con mái, có thể chịu được sức nặng gần 200 kg, dùng để chuyên chở, con mái được cưng hơn vì phải đảm đương nhiệm vụ sinh đẻ".
Trẻ em thích thú cưỡi đà điểu
Du khách được hướng dẫn vào sân chơi cưỡi đà điểu. Sân rộng hơn 200 m2, được phủ cát mịn. Anh Sang, người trực tiếp chỉ dẫn du khách: "Đà điểu hiền lắm, có té cũng không bị giẫm lên đâu mà sợ". Nói rồi anh tót lên lưng một chú đà điểu, bám chặt hai chân vào mông, hai đầu gối ôm sát vào lưng. Chú đà điểu được cổ vũ càng hăng, chạy hồng hộc. Trên lưng đà điểu được lót một tấm nệm nhỏ giữ cho khách không bị tuột xuống đất. Cưỡi đà điểu chớ dại bám vào cổ như trò chơi của chú lùn Hugo, vì cổ đà điểu cách xa thân nó cả nửa mét, muốn không bị té, thân người phải ngã xoài trên lưng, hai tay ghì chắc vào hai cánh, hai chân bám sát vào phần mông đà điểu. Chân và tay càng ghì chắc bao nhiêu thì đà điểu chạy càng nhanh bấy nhiêu.
Trang trại Vinh Sang được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động từ năm 2004, với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, diện tích nuôi hơn 2,2 ha. Anh Vinh - chủ trang trại cho biết: "Nhìn chung khách du lịch đến đây chủ yếu để tìm hiểu trò chơi mới lạ lần đầu có mặt ở miền Tây, đối tượng bị hớp hồn trước tiên là trẻ em, có nhiều em khi cưỡi đà điểu thật mà cứ gọi mãi tên "Hugo cưỡi đà điểu".
Quả thật đúng như vậy, du khách khi thưởng thức cảm giác cưỡi đà điểu, ai cũng đều xuýt xoa. Nhóm bạn Hiếu, Hồng, Diệu, Lập ở TP HCM cho biết: "Cưỡi đà điểu là một loại hình vui chơi bổ ích, không những thu hút trẻ em mà cả người lớn". Anh Hoàng, nhà ở Mỹ Tho (Tiền Giang) hào hứng: "Nhờ có trò chơi này, các con của tôi có thể biết thêm nhiều điều thú vị".
Giữa hệ thống kênh rạch chằng chịt, người dân chỉ quanh quẩn trong nhà, thế nhưng từ khi có khu vui chơi này, người dân sống gần khu vực cũng phấn khởi hơn. Bác Tư Hậu, nhà gần trang trại cho biết: "Đám nhỏ từ xa xuống không biết đường nhờ tui chỉ đường, ngày nào tui cũng chỉ cho cả chục đứa, dù chỉ là người chỉ đường, nhưng tôi vui lắm vì có thêm nhiều người biết đến du lịch ở Vĩnh Long".
Cùng với Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa - Đồng Nai, Văn Thánh Miếu ở Gia Định xưa kia, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu của vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 19.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên một sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ, thuộc phường 4, thị xã Vĩnh Long, cách thị xã khoảng 2km. Người chủ xướng xây dựng công trình này là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông. Công trình Văn Thánh Miếu xây dựng hết hai năm (1864-1866).
Cổng Tam quan
Bước chân đến cổng Văn Thánh Miếu, du khách bỗng cảm thấy dịu hẳn đi cái oi nồng nhờ ngọn gió từ bờ sông Long Hồ thổi đến. Muốn vào, phải bước qua cổng tam quan, với hai nếp mái, được sơn màu vàng nhạt. Cổng chính lớn hơn hai cổng phụ. Cổng được xây theo hình vòm. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán, dưới ba chữ Hán đó là hàng chữ quốc ngữ: Văn Thánh Miếu. Hai bên cột cổng là hai hàng câu đối bằng chữ Hán nói về đức sáng của Khổng Tử, cũng như ca ngợi Văn Thánh Miếu.
Vào trong, lòng du khách cảm nhận được sự yên tĩnh và tôn nghiêm như ở chốn thiền môn. Không gian bao la rộng lớn, một con đường tráng nhựa thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ hai bên, có tiếng chim líu lo trên cành, cơn gió từ đâu ập đến, làm rung chuyển những cành cây nghe xào xạc, lòng cảm thấy lâng lâng khó tả. Phía bên tay phải của du khách là Văn Xương Các - nơi dùng để chứa sách, đọc sách và cũng là nơi dành cho các sĩ phu hội họp, học tập, đàm đạo văn chương thi phú... Tầng trên lầu thờ ba vị Văn Xương Đế Quân, là những vị thần chuyên lo việc học hành thi cử. Tầng dưới thờ Sùng đức tiên sinh Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản. Ngoài ra nơi đây còn thờ các vị quan cựu trào ở Vĩnh Long như: Đốc học đường Nguyễn Thông, Đốc bộ đường Trương Văn Uyển, Giáo thọ Nguyễn Trí Mẫn... Thắp ba nén nhang lên bàn thờ chư vị, khói nhang quyện chặt lòng người mà lòng tưởng nhớ đến các vị danh sư đạo cao đức trọng một thời.
Từ Văn Xương Các, du khách dời gót, bộ hành theo con đường được tráng xi măng thẳng tắp độ chừng 100m là đến nơi thờ chính của Văn Thánh Miếu. Văn Thánh Miếu này được xây dựng trên nền đá xanh cao khoảng 90cm. Bàn thờ giữa của Văn Thánh Miếu thờ đức Khổng Tử và bốn vị cao đồ như Tống thánh Tăng Tử, Á thánh Mạnh Tử, Phục thánh Nhan Tử và Thuật thánh Tử Tư. Bàn thờ hai bên tả hữu thờ 12 vị cao đồ. Phía bên ngoài là hai ngôi miếu nhỏ, đơn sơ gọi là Tả vu và Hữu vu, thờ 72 vị là học trò giỏi của Khổng Tử hay còn gọi là Thất thập nhị hiền. Nơi đây còn có tấm bia đá được dựng vào năm 1867, có khắc bài ký của cụ Phan Thanh Giản ở mặt trước và công đức của các vị đóng góp xây dựng công trình ở mặt sau.
Rời Văn Thánh Miếu, du khách sẽ cảm thấy hài lòng vì có một buổi tham quan thú vị, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ xưa, được hiểu thêm đôi chút về văn hóa dân tộc.
Bởi Văn Minh | Ngày 12 tháng 02 năm 2025
Sáng ngày 12/02/2025, tại Lăng Ông Nam Hải, UBND xã Thạnh Hải phối hợp với Ban quản lý Lăng Ông tổ chức khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Phạm Văn Bé Năm; Phó Chủ tịch HĐND huyện Huỳnh Thị Cẩm đến dự.
Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 11 đến 13/02/2025, nhằm ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch năm Ất Tỵ. Hoạt động chính của lễ hội diễn ra trong ngày 12/02/2025, nhằm ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Giống như những năm gần đây, phần chính của lễ có: Lễ rước Linh vị Ông, Lễ Dâng hương và Lễ Ra khơi. Phần hội diễn ra các hoạt động gồm: hội thi mâm xôi; bóng chuyền hơi nữ;…
Lễ rước Linh vị Ông. (Ảnh: Văn Minh)
Lễ hội Nghinh Ông là Lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng của ngư dân miền biển, vừa mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển, vừa tưởng nhớ công ơn của loài cá Ông đã không ít lần cứu giúp ngư dân đi biển vượt qua sóng to, gió lớn, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người.
Theo lời kể, cách đây 20 năm, ngày 05/02/2004, nhằm ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, một cá Ông dài khoảng 20m, nặng trên 50 tấn, đã “lụy” và trôi dạt vào bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Khoảng hai tháng sau, ngày 01/4/2004, nhằm 28 tháng hai âm lịch, có thêm một cá Ông “lụy” dạt vào Cồn Bửng, nằm ở vị trí chỉ cách cá Ông trước khoảng 300m. Cá Ông thứ hai dài 25m, nặng gần 80 tấn. Sau đó, người dân địa phương và nhiều người làm nghề đi biển ở nơi khác đã quy tụ về Thạnh Hải, tổ chức thờ cúng cá Ông. Tại Lăng Ông Nam Hải, hiện còn lưu lại 2 bộ xương cá Ông. Vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm bà con gần xa đến thắp hương rất đông và thời gian gần đây đã được công nhận là Lễ hội.
Bởi Hữu Hiệp | Ngày 06 tháng 06 năm 2024
Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành lần thứ 2, sáng ngày 6/6/2024, Hiệp hội du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Châu Thành, diễn đàn du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) tổ chức Đoàn Caravan, đoàn diễu hành liên huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Ba Tri, chạy qua một số tuyến đường đến các điểm du lịch của huyện.
Tham quan Bến Tre Riverside Resort và điểm du lịch sinh thái vườn ở Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. (Ảnh: Hữu Hiệp)
Đoàn khởi hành đi tham quan làng hoa kiểng, hội thi sinh vật cảnh huyện Chợ Lách; tham quan Bến Tre Riverside Resort với hệ thống nhà hàng, phòng nghỉ chuyên nghiệp và Khu vườn sinh thái Bến Tre Riverside Garden, Phường 7, TP. Bến Tre và xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Tại đây, du khách tham quan khu vườn nằm ngay sông Hàm Luông thoáng mát, nơi trồng các loại cây ăn trái nông sản xanh phục vụ cho nhà hàng Resort, được bao phủ một mảng xanh rộng lớn của những hàng bần chạy dọc theo bờ sông đan xen với những vườn cây trĩu quả. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, hoà mình vào thiên nhiên, cùng tham gia các hoạt động gắn kết yêu thương và thư giãn.
Đoàn đến viếng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 9 km. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những địa điểm du lịch Bến Tre rất ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu mến cô Ba và quan tâm đến lịch sử, con người Bến Tre.
Đoàn khởi hành đến huyện Ba Tri tham quan nông trại Sân chim Vàm Hồ - là khu vực với hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển của đồng bằng sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái. Sân chim Vàm Hồ nằm bên hữu ngạn sông Ba Lai thuộc địa phận các xã Mỹ Hòa, Tân Mỹ và Tân Xuân, huyện Ba Tri, có diện tích trên 67ha, tại đây du khách được thưởng thức đặc sản địa phương.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Bá Sanh, nhằm để thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch của huyện Châu Thành đến với du khách trong và ngoài nước, UBND huyện phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành, lần 2 - năm 2024. Đây là dịp để du khách đến tham quan tìm hiểu các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa, thưởng thức văn hoá ẩm thực Xứ Dừa và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến với du lịch Châu Thành, các điểm du lịch trong tỉnh, du khách sẽ được xuôi miền sông nước hữu tình để chu du thưởng ngoạn và trải nghiệm những điều bình dị, trải nghiệm các vườn cây ăn trái đặc sản, tát mương bắt cát, tham gia các trò chơi dân gian… với mong muốn cộng đồng du lịch của Bến Tre phát triển theo hướng giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bởi Phạm Hân | Ngày 31 tháng 05 năm 2024
Khu du lịch Làng Bè (huyện Châu Thành) là khu du lịch sinh thái mang phong cách giản dị, mộc mạc, thiên nhiên, yên bình. Nghe đến chữ "Làng" hẳn ai cũng mường tượng đến phong cảnh làng quê, bình yên, nhẹ nhàng và an lành. Ở đây, mọi người sẽ được tận hưởng cảm giác thư giãn nhẹ nhàng nơi chốn thôn quê dân dã, an bình.
Khu du lịch Làng Bè chỉ cách cầu Rạch Miễu khoảng 100m, đến đây quý khách sẽ bị quyến rũ bởi vẻ đẹp mộc mạc, chất phác của phong cảnh và con người vùng đất Bến Tre.
Tổng quan Khu du lịch Làng Bè
Khi đến với Khu du lịch Làng Bè, quý du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú, vui nhộn: Đạp xe đạp trên nước, cầu lắc Làng Bè, đu dây cáp tìm cảm giác lạ, Tarzan vượt hồ, đu dây cáp vượt sông,... Đặc biệt, chương trình không gian ngoài trời với đốt lửa trại, bếp nướng để thực khách có thể vừa thưởng thức các món nướng và tham gia giao lưu văn nghệ cùng các nghệ nhân đờn ca tài tử vùng đất miền Tây yêu thương.
Du khách trải nghiệm tát mương bắt cá
Tour tham quan Tứ Linh: Mọi người sẽ được trải nghiệm đi xe ngựa trên đường làng, tham quan trại nuôi ong, thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử, uống trà mật ong, đi xuồng chèo trong rạch dừa đến tham quan lò kẹo dừa, check in điểm tham quan Khu di tích Đạo Dừa.
Thưởng thức nhiều món ăn ngon, với thực đơn phong phú, đa dạng, thơm ngon với những món ăn đồng quê, dân dã, đậm chất vùng miền, du khách có thể thưởng thức trong nhiều không gian sang trọng, trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, sân khấu,... view nhìn ra sông tuyệt đẹp. Đặc biệt là Sảnh Bè (nhà hàng được thiết kế là bè nổi trên sông) thực khách có thể trải nghiệm việc ăn uống trên bè, ngắm thuyền bè qua lại, ngắm hoàng hôn buổi chiều tà và cái cảm nhận dập dềnh, lênh đênh trên sông.
Homestay Làng Bè hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên
Homestay Làng Bè hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên, nằm sát bên sông với những ngôi nhà tranh mái lá truyền thống, mang đến cảm giác yên bình và thư thái. Xung quanh homestay là những hàng dừa xanh mướt, vi vu trong gió, tạo nên khung cảnh làng quê đậm chất miền Tây Nam Bộ. Du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn khung cảnh sông nước thơ mộng của vùng quê Bến Tre.
Khu du lịch Làng Bè là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống thôn quê, tham gia các hoạt động giải trí dân gian và thưởng thức ẩm thực miền Tây Nam Bộ. Homestay Làng Bè mang đến sự thoải mái và yên bình, giúp du khách thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên.
Bởi Thụy Quân | Ngày 30 tháng 04 năm 2024
Công trình Bia truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) Sài Gòn - Gia Định được xây dựng tại khu phố Phước Lý, thị trấn Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) nhằm lưu giữ dấu tích quá trình chiến đấu hào hùng của LLVT Sài Gòn - Gia Định tại đây cũng như ghi nhớ, tri ân sự cưu mang, đùm bọc, che chở của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương đối với LLVT Sài Gòn - Gia Định. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay kế thừa truyền thống cách mạng, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương.
Tôn vinh giá trị lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, huyện Mỏ Cày ngày xưa (nay là huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Mỏ Cày Nam) là địa bàn đặt căn cứ lãnh đạo, chỉ huy, nuôi giấu cán bộ của tỉnh, huyện và các địa phương khác. Mảnh đất này gắn liền các phong trào đấu tranh chính trị, bình vận, vũ trang phát triển mạnh, nhất là phong trào Đồng Khởi, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch phản kích dữ dội, các cơ sở cách mạng ở nội thành bị lộ, để bảo đảm an toàn lực lượng, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuyển về hoạt động tại căn cứ xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Cùng với đó, Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định đã bí mật di chuyển về đóng quân tại ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung (nay là khu phố Phước Lý, thị trấn Phước Mỹ Trung) và mở rộng ra vùng chợ Ba Vát, Thành An, Giồng Keo (Tân Bình),… thuộc huyện Mỏ Cày Bắc ngày nay, để củng cố lực lượng, tiếp tục hoạt động.
Lãnh đạo thực hiện nghi thức khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn Gia Định tại Mỏ Cày Bắc. (Ảnh: Thụy Quân)
Tháng 6/1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Tỉnh ủy Bến Tre đã lập căn cứ ở hai xã Tân Phú Tây và Thành An, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Bắc). Khi về đặt căn cứ hoạt động ở đây, Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định luôn được Đảng bộ, quân, dân Mỏ Cày Bắc chở che, đùm bọc, bảo vệ tuyệt đối bí mật, gìn giữ sự an toàn và tạo mọi điều kiện để các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định làm nhiệm vụ, giành nhiều chiến thắng góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.
Cựu chiến binh (CCB) Võ Văn Gần ở Mỏ Cày Bắc từng tham gia LLVT Sài Gòn - Gia Định, hồi nhớ: “Tháng 9/1969, nhập ngũ vào đơn vị và được rút về bảo vệ trực tiếp đồng chí Ba Đặng, tức là ông Trần Hải Phụng - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định. Suốt 1 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, không ít người đã hy sinh nhưng tất cả quyết tâm bảo vệ bí mật hoạt động của đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định”. Trong hồi ức về đồng chí, đồng đội, CCB Trần Văn Dày - xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) kể: “Ngày đó, tôi là Đội phó Đội Bảo vệ Bộ Tư lệnh, trong đội có 2 trung đội với trên 40 người. Chiến tranh, bom đạn ác liệt, 20 chiến sĩ đã hy sinh tại Phước Mỹ Trung. Hài cốt chiến sĩ đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã, huyện”.
Tôn vinh những giá trị lịch sử, công lao đóng góp của các chiến sĩ, quân và dân địa phương, năm 2022 Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát vị trí nơi Bộ Tư lệnh tiền phương Sài Gòn - Gia Định đóng quân trước đây để xây dựng Bia truyền thống LLVT Sài Gòn - Gia Định tại Mỏ Cày Bắc. “Bia truyền thống LLVT Sài Gòn - Gia Định là công trình ghi nhớ, là ký ức, kỷ niệm về đồng chí, đồng đội. Đặc biệt tri ân tình cưu mang, phối hợp chiến đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân Bến Tre nói chung và người dân Mỏ Cày Bắc nói riêng trong một thời hoa lửa”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng - Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Đồng thuận với chủ trương xây dựng bia, ông Trần Văn Tỳ - Hộ dân Khu phố Phước Lý, thị trấn Phước Mỹ Trung tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất để xây dựng công trình. Chia sẻ việc làm của mình, ông Tỳ nói: “Các chiến sĩ ngày trước đã không ngại hy sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc. Bia truyền thống LLVT Sài Gòn - Gia Định là công trình kỷ niệm, tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh rất có ý nghĩa tôi tiếc gì đâu mấy mét vuông đất”.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Công trình Bia truyền thống LLVT Sài Gòn - Gia Định hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ mà còn là niềm tự hào khôn xiết của lớp lớp người trẻ hôm nay về quá khứ đấu tranh hào hùng. Bạn Nguyễn Thị Diễm Phương - Phó Bí thư Đoàn thị trấn Phước Mỹ Trung chia sẻ: “Bản thân em rất vui và tự hào về vùng đất mình đang sinh sống có thêm 1 “địa chỉ đỏ”. Bia truyền thống LLVT Sài Gòn-Gia Định giúp thế hệ trẻ biết, ghi nhớ lại những công ơn, sự hy sinh của thế hệ ông cha đi trước. Em cùng với lực lượng thanh niên thị trấn sẽ tiếp thu, phát huy những giá trị lịch sử, tiếp bước cha anh ra sức học tập, phấn đấu, sống vì lợi ích của cộng đồng, quê hương, đất nước”.
Vượt qua chặng đường gần 2.000 km, bà Giáp Thị Hưng (Bắc Giang) - con gái của liệt sĩ Giáp Văn Hạ tìm về nơi bố mình chiến đấu và hy sinh. Rà trong danh sách 20 liệt sĩ khắc sau văn bia, bà Giáp Thị Hưng ngừng tay tại số thứ tự 12 - Giáp Văn Hạ trong niềm xúc động chực trào. Bà Giáp Thị Hưng nghẹn ngào chia sẻ: “Đọc tên bố tôi thật xúc động. Tưởng nhớ về bố, tôi và gia đình sẽ thường xuyên đến thăm nơi đây. Gia đình tôi vô cùng biết ơn Ban liên lạc của Bộ Tư lệnh kết nối, quan tâm vận động lập bia ghi ơn, đặc biệt là những người dân Mỏ Cày Bắc nghĩa tình cưu mang, đùm bọc bố và đồng đội của ông trong kháng chiến. Trong điều kiện của gia đình, chúng tôi sẽ kế tục truyền thống của bố để góp một phần công sức trong công cuộc xây dựng quê hương ngày đổi mới”.
Lãnh đạo tỉnh, đại biểu, các cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm tại lễ khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn Gia Định tại Mỏ Cày Bắc. (Ảnh: Thụy Quân)
Theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh sẽ bàn giao công trình cho địa phương quản lý. Công trình sẽ kết nối với Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc trở thành "địa chỉ đỏ", điểm đến về nguồn.
Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết: Tiếp nhận quản lý và khai thác công trình lịch sử Bia truyền thống LLVT Sài Gòn - Gia Định, chúng tôi nhận thức đây là trách nhiệm lớn lao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Mỏ Cày Bắc. Huyện sẽ làm tốt công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, giữ gìn, phát huy tối đa giá trị của công trình để xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và niềm tự hào của quê hương Mỏ Cày Bắc.
Huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi quá trình hình thành, chiến đấu của LLVT Sài Gòn - Gia Định, ý nghĩa của công trình. Tạo điều kiện cho ngành Giáo dục, lực lượng thanh niên, các cơ quan, đơn vị và người dân tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước gắn với hoạt động tham quan du lịch tại bia, xem đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ hoạt động và công lao to lớn của LLVT Sài Gòn - Gia Định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đó, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm, ý chí quyết tâm, tinh thần nhiệt huyết cách mạng cho các thế hệ.
Bởi Huỳnh Lâm | Ngày 08 tháng 04 năm 2024
Nếu như du khách đã đến xứ dừa Bến Tre khám phá những điểm đến du lịch sinh thái – sông nước - miệt vườn đầy yên tịnh và hấp dẫn ở các huyện như: Châu Thành, Chợ Lách hay thành phố Bến Tre, thì Giồng Trôm cũng là vùng đất có nhiều điểm hẹn, điểm đến, điểm về nguồn rất lý thú để du khách trải nghiệm về văn hóa ẩm thực – văn hóa lịch sử.
Khám phá vùng đất địa linh nhân kiệt
Giồng Trôm nằm khoảng giữa cù lao Bảo, có ranh giới chung sông Ba Lai với huyện Bình Đại, chung sông Hàm Luông với huyện Mỏ Cày Nam và giáp ranh với huyện Ba Tri, Châu Thành và thành phố Bến Tre. Giồng Trôm là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử trong hai thời kỳ kháng chiến, là nơi sản sinh nhiều vị tướng lĩnh danh tiếng như: Trung tướng Đồng Văn Cống, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Lê Văn Dũng, Trung tướng Võ Viết Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, Thiếu tướng Trần Minh Tích, Thiếu tướng Trần Văn Nhiên, Thiếu tướng Võ Khắc Sương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ngai, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, Thiếu tướng Hồ Quốc Việt,…. Đặc biệt, vùng đất này còn là nơi lưu giữ những tài sản tinh thần liên quan đến nhà thơ Phan Văn Trị và là nơi đã nuôi, che chở cho đồng chí cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong thời gian hoạt động cách mạng (11/1955 – 3/1956).
Đoàn Đại sứ quán Cuba đến thăm khu di tích Nữ Tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Hãy làm một cuộc hành trình đến xứ dừa, để du khách tham quan, khám phá Giồng Trôm “Đất thép thành đồng” với những điều rất thú vị. Từ thành phố Bến Tre men theo tỉnh lộ 885 (qua cầu kênh Chẹt Sậy) đến xã Mỹ Thạnh (địa danh Mỹ Lồng) khoảng 6,5km, điểm dừng chân đầu tiên tham quan là “Di tích Mộ và Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng” được Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích cấp Quốc gia vào ngày 07/5/1997.
Sau khi viếng thăm “Di tích Mộ và Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng”, du khách đến “Di tích các chứng tích về cuộc thảm sát 286 người vô tội do thực dân Pháp tiến hành năm 1947” tại ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm, Giồng Trôm cách đền thờ Lãnh Binh Thăng 2,5km và cách thành phố Bến Tre 09km theo đường bộ.
Cũng nằm trên đường tỉnh 885 cách thành phố Bến Tre 8,5km, du khách đến “Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định” tại xã Lương Hòa. Khu lưu niệm được khởi công xây dựng vào cuối năm 2000, đưa vào phục vụ vào cuối năm 2003. Với diện tích rộng gần 15.000 m2, cổng được xây dựng theo dạng cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam.
Nằm trong hệ thống Di tích văn hóa – lịch sử “Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa” cũng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích cấp Quốc gia vào ngày 07/01/1993. Di tích này cách thành phố Bến Tre 16km và cũng trên nằm trên đường tỉnh 885, du khách có thể đến đây bằng đường bộ hoặc đường thủy. Đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre, là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo. Những tài liệu còn lưu giữ ngôi đình tồn tại đến nay gần 200 năm....
Đến với Làng văn hóa phi vật thể ẩm thực
Làng nghề truyền thống ở Giồng Trôm cũng khá nổi tiếng như “Bánh tráng Mỹ Lồng” tại xã Mỹ Thạnh, “Bánh phồng Sơn Đốc” tại xã Hưng Nhượng; các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại các xã Hưng Phong, Phước Long và Sơn Phú sản xuất nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ xơ dừa và đan giỏ cọng dừa….
Xã viên Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm quết bánh theo truyền thống. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) từ xưa rất nổi tiếng. Sự hòa quyện từ mùi thơm của hương nếp, béo ngậy của dừa, vị ngọt thanh của đường mía đã tạo nên chiếc bánh phồng Sơn Đốc mang hương vị dân dã, ngọt thơm, không nơi nào sánh kịp.
Khách tham quan cán bánh phồng theo công nghệ hiện đại. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Dạo một vòng xã Hưng Nhượng, ở đâu cũng nghe âm thanh “thình thịch” của tiếng chày quết bánh. Ghé thăm lò bánh nổi tiếng với truyền thống 4 đời làm bánh phồng của chị Út Nhỏ, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khá tất bật. Người thì nhóm bếp nấu nếp quết bánh, người vắt nước cốt dừa, người thì cán bánh. Mùi thơm của nước cốt dừa tươi cùng những gia vị như hành lá, mè, vani,... hòa quyện vào nhau thơm lừng.
Xã viên Hợp tác xã Bánh tráng Mỹ Lồng xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm tráng bánh. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc xã Hưng Nhượng được hình thành cách nay trên 100 năm, theo nhu cầu ẩm thực của ông bà, các bậc cao niên, được làm theo lối thủ công nhỏ lẻ, ban đầu chỉ một vài hộ sản xuất với con số rất khiêm tốn từ vài trăm cái bánh và làm theo thời vụ chỉ tập trung những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc. Ngày nay, khi xã hội phát triển thì làng nghề bánh phồng Sơn Đốc xã Hưng Nhượng cũng dần phát triển theo.
Khách thưởng thức bánh phồng tại nơi sản xuất. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Năm 2003, bằng ứng dụng công nghệ sản xuất đưa vào sử dụng máy quết bột thay thế cho sức lao động thủ công và rút ngắn được thời gian. Và hiện nay đa phần các cơ sở đã đầu tư thêm máy cán, máy quết bột tự động, hiệu quả tăng gấp 8 đến 10 lần so với làm thủ công mà có thể đảm bảo tốt vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Lễ công nhận di sản phi vật thể cấp Quốc gia làng nghề bánh phồng Sơn Đốc. (Ảnh: Huỳnh Lâm)
Năm 2006 làng nghề bánh phồng Sơn Đốc được công nhận và năm 2008 làng nghề được vinh danh Làng nghề Việt Nam, Làng nghề tiêu biểu. Cuối năm 2014 Đại hội thành lập Hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Cũng từ đó làng nghề đi vào hoạt động có hiệu quả hơn và phát triển mạnh, được nhiều người biết đến. Đặc biệt, vào ngày 30/10/2018, bánh phồng Sơn Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “nghề làm bánh phồng Sơn Đốc”. Hiện nay, phần lớn những hộ dân đang tập trung đầu tư công nghệ phát triển đa dạng sản phẩm theo thị hiếu khách hàng.
Những chuyến về nguồn trên đất cù lao xứ dừa, nhất là du khách khám phá trải nghiệm về văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái sông nước – miệt vườn trên mảnh đất Giồng Trôm “Đất thép thành đồng”, hy vọng du khách sẽ thật sự hài lòng, thú vị với chuyến đi có ý nghĩa, bổ ích và thư giãn. Không dừng lại ở những xã này mà Giồng Trôm còn rất nhiều điểm đến để du khách trải nghiệm cùng người thân và bạn bè.
Bởi Ngân Linh | Ngày 13 tháng 06 năm 2025
Sáng ngày 13/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây), khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành.
Chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây) theo tiếng Pali có nghĩa là bến cây Da, ngoài ra còn được người dân địa phương quen gọi với những cái tên khác như: chùa Dơi, chùa Hang. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1637 Dương lịch (tức năm 2181 Phật lịch).
Nghi thức rước Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây)
Tọa lạc giữa không gian xanh mát, chùa KompongNigrodha được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ như sao, dầu có tuổi đời hàng trăm năm. Môi trường tự nhiên ấy đã tạo điều kiện cho nhiều loài chim đến sinh sống, góp phần hình thành một không gian thanh tĩnh, gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, ngôi chùa là một quần thể kiến trúc hài hòa, với cảnh quan bao quanh là sông hồ, lại gần khu chợ dân sinh, tạo nên một bức tranh sinh thái sinh động và độc đáo. Sự kết hợp giữa vẻ cổ kính, trang nghiêm với nét bình dị, thơ mộng ấy đã tạo nên dấu ấn riêng, làm nên nét đặc trưng hiếm có cho di tích này.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa KompongNigrodha là địa chỉ đỏ, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chùa cũng là nơi tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng đến các vị sư và đồng bào Phật tử. Chính vai trò này đã góp phần quan trọng trong việc hun đúc tinh thần yêu nước, tạo nên sức mạnh đoàn kết, yếu tố then chốt quyết định thành công của các phong trào đấu tranh, góp phần vào thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Cho đến ngày nay, tinh thần đại đoàn kết dân tộc giữa đồng bào Kinh – Khmer tại chùa vẫn tiếp tục được phát huy và lan tỏa.
Cổng phụ chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây)
Không chỉ là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo quan trọng của đồng bào Khmer, chùa KompongNigrodha còn là biểu tượng văn hóa, du lịch tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh. Đây là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Khmer thông qua các hoạt động giáo dục đạo đức, giảng dạy ngôn ngữ Pali Khmer cho chư tăng và Phật tử. Ngoài ra, chùa còn mở các lớp đào tạo, dạy nghề chạm khắc gỗ, góp phần bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Chánh điện của chùa KompongNigrodha
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật đó, ngày 19/5/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1158/QĐ-UBND xếp hạng chùa KompongNigrodha là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh trao Bằng công nhận di tích cấp tỉnh cho ông Huỳnh Kim Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Châu Thành và ông Thạch Xuông, Sư cả chùa KompongNigrodha
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thạch Bồi đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đúng về ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di tích.
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành trao giấy khen cho tập thể đã có thành tích tiêu biểu trong sưu tầm tài liệu, đóng góp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây) đạt di tích lịch sử cấp tỉnh
UBND huyện Châu Thành nghiên cứu xây dựng kế hoạch gắn việc tham quan học tập tại di tích với phát triển du lịch, xem đây là một trong những điểm sáng của hoạt động khai thác tài nguyên du lịch văn hóa cùng với các hoạt động du lịch tại địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt với các sở ngành tỉnh, có các giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi để từ đó làm tốt việc bảo tồn, phát huy toàn diện, có hiệu quả giá trị của di tích.
Ông Đỗ Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành trao giấy khen cho các cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong sưu tầm tài liệu, đóng góp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây) đạt di tích lịch sử cấp tỉnh
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu sư cả cùng chư tăng, Ban Quản trị và Phật tử chùa KompongNigrodha tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển tốt các mối quan hệ trong xã hội, củng cố các mặt sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng; từng bước phát triển cơ sở hạ tầng, duy trì tốt cây xanh, tôn tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đặc biệt là duy trì tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân địa phương và thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm, học tập góp phần quan trọng vào phát triển du lịch tỉnh.
Sư cả chùa KompongNigrodha Thạch Xuông tặng quà lưu niệm cho ông Thạch Bồi và bà Thạch Thị Sa Thy
Song song đó, tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Duy trì tổ chức tốt việc mở các lớp dạy Pali Khmer; lớp đào tạo, dạy nghề chạm khắc gỗ cho các chư tăng và người dân.
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ
Dịp này, UBND huyện Châu Thành tặng giấy khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong sưu tầm tài liệu, đóng góp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Chùa KompongNigrodha (chùa Kompong Chrây) đạt di tích lịch sử cấp tỉnh.