Các đình đều thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công quy dân lập làng hoặc bỏ tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên để lại gương soi cho đời sau. Cho nên nói chung, lễ kỳ yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng.
Các nghi lễ thường giống nhau, gồm một tiết mục dâng hương, ba lần dâng rượu, một lần dâng trà. Cuối một nghi lễ đều có một bài văn tế thay cho lời khấn, nội dung gồm những lời tán dương thần thánh và lời cầu nguyện của dân làng. Khi tế lễ phải có dàn nhạc cụ gõ nhịp gồm: mõ, chiêng, trống, chuông.
Trong thực tế, ở lễ kỳ yên thì phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng bổn cảnh.
Lễ kỳ yên là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm, vui chơi. Xưa kia, ở các đình còn có tục cứ ba năm đáo lệ tổ chức hát bội, cúng thần giúp vui bá gia, bá tánh. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.
Lễ kỳ yên còn là dịp để các nghệ nhân thể hiện sự khéo léo như chưng hoa, kết quả. Buổi lễ cũng là dịp cho người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài nữ công của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, tiệc tùng trong ngày lễ kỳ yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có tục “chiếu trên, chiếu dưới” nhậu nhẹt say sưa.
Lễ Đônta đóng vai trò quan trọng trong hệ thống
lễ hội cộng đồng của người Khơme ở Vĩnh Long
Lễ Đonta của người Khơme được tổ chức vào cuối tháng tám âm lịch, là một trong những hội lễ quan trọng được người Khơme xem là cái Tết thứ hai trong năm. Lễ hội Đonta bắt đầu từ ngày 16 tháng tám âm lịch và kéo dài đến cuối tháng tám âm lịch hàng năm. Trong suốt thời gian này, các gia đình người Khơme thường mang cơm nước, hoa quả, bánh trái, … đến chùa để sư sãi làm lễ cúng cho vong hồn những người đã khuất và làm lễ cầu siêu cho những vong hồn ấy.
Do tính chất cùng góp vật thực để cúng vong hồn cho người quá cố, cho các cô hồn, để sư sãi dùng cũng như cho bữa cơm cộng đồng, đặc biệt là có “baibanh” (nắm cơm hay xôi tròn) mà ngày lễ chính của lễ Đonta (ngày 30 tháng tám âm lịch) được người Khơme gọi là ngày “phchumbanh”, nghĩa là lễ “góp bánh”. Sau khi kết thúc những nghi thức lễ tại chùa vào buổi sáng ngày lễ phchum banh, mọi người trở về nhà để làm lễ cúng ông bà gọi là lễ “senchaktum”. Người ta làm cỗ, thắp nhang đèn để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu xin vong hồn của họ được siêu thoát và van vái, cầu xin ông bà phù hộ.
Nhìn chung, qua nghi thức, thời gian và cách thức tổ chức lễ có thể thấy lễ hội Đonta là sự kết hợp giữa hình thức lễ nghi nông nghiệp với lễ cúng tổ tiên và lễ xá tội vong nhân của đạo Phật. Sự hợp nhất các ý nghĩa của lễ hội Đonta đã làm cho nó có tầm quan trọng trong hệ thống lễ hội cộng đồng của người Khơme ở Vĩnh Long.
Đối với đời sống tinh thần của con người, các lễ hội được xem như sợi dây cộng cảm, nơi người ta có thể cùng nhau sẻ chia lòng biết ơn với ông bà, tổ tiển, niềm tin tôn giáo, gửi gắm ước vọng về tương lai, … Cũng với ý nghĩa như vậy, các lễ hội ở Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét đặc trưng của vùng đất nơi ba dân tộc Việt, Hoa, Khơme đang sinh sống trong tình đoàn kết, gắn bó.